TIỀM NĂNG DU LỊCH LỤC NAM

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Lục Nam là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có diện tích gần 60.000 ha với 25 xã, thị trấn và một số trung tâm kinh tế xã hội lớn là thị tứ Sàn- Phương Sơn, thị tứ Bảo Lộc- Bảo Sơn, thị tứ Đồng Đỉnh- Tứ Sơn. Toàn huyện có khoảng 22 vạn dân với nhiều dân tộc cùng nhau chung sống như: Kinh, Tày, Nùng, Mường, Dao, Cao Lan, Hoa, Sán Dìu.

Nằm ở cửa ngõ vùng đông bắc, mạng lưới giao thông của Lục Nam có cả đường bộ, đường sát và đường thủy, thuận tiện cho kết nối giao thông giữa miền núi với miền xuôi. Trung tâm huyện cách thành phố Bắc Giang 22 km và cách thủ đô Hà Nội chưa đến 70 km. Trên địa bàn huyện có các trục đường chính gồm: Tuyến Quốc lộ 37 (từ Thị tứ Bảo Sơn – kết nối với Lạng Sơn ,đi qua TT Đồi Ngô, Khám Lạng, Bắc Lũng, Cẩm Lý về Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) ; tuyến quốc lộ 31 (từ thành phố Bắc Giang đi qua thị tứ Sàn- TT Đồi Ngô lên Chũ, Sơn Động); tuyến  đường tâm linh  (từ thành phố Bắc Giang qua khu di tích chùa Vĩnh Nghiêm của Yên Dũng, qua xã Khám Lạng, TT Đồi Ngô, Cương Sơn, Nghĩa Phương qua khu vực Tứ Sơn về Tây Yên Tử… và đi qua nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Các tuyến quốc lộ,  tỉnh lộ nối liền hệ thống đường trục xã tạo thành mạng lưới đường bộ phân bố hợp lý thuận lợi cho giao thông trong và ngoài huyện. Vị trí địa lý cũng mang đến cho Lục Nam có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi non, sông suối giao hòa. 

Trên mảnh đất lịch sử này đã ghi đậm dấu ấn từ thưở hồng hoang mở cõi. Di tích còn lưu là những thành quách, đền đài, những địa danh một thuở chống quân xâm lược từ phương Bắc lại, đó là đền thờ những công chúa thời Lý rời lầu son gác tía vì mục tiêu theo chồng bảo vệ phên dậu của Tổ quốc, đó là âm vang của dòng Minh  Đức thuở  xa xưa trong kháng chiến chống Nguyên Mông… Đó là niềm tự hào, là động lực để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lục Nam ngày  nay tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng để xây dựng quê hương.

Trong lịch sử văn hóa của huyện Lục Nam, trên địa bàn huyện còn lưu lại nhiều dấu tích với trên 263 di tích lớn nhỏ, trong đó có 85di tích đã được xếp hạng  gồm:  16 di tích lịch sử cấp Quốc gia , 69  di tích cấp tỉnh. Hàng năm các di tích đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo và bảo vệ. Năm  1988  di tích danh thắng Đền Suối Mỡ được xếp hạng Quốc gia. Lịch sử di tích kể lại rằng Đền  Suối Mỡ là nơi thờ công chúa Quế Mị Nương, con gái vua Hùng Định Vương. Tuy sinh ra chốn lầu son gác tía, song nàng đam mê cảnh đẹp thiên nhiên, thích ngao du sơn thủy và dừng chân trên mảnh đất này giúp dân nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, cấy lúa . Ngày nàng hóa thân vào mây núi nhân dân đã nhớ thương mà lập đền thờ nơi con suối được nàng tạo ra để tưởng nhớ, suy tôn nàng là Thánh Mẫu thượng ngàn. Hiện tại với mô hình du lịch tâm linh sinh thái, mỗi năm di tích đón hàng vạn lượt du khách về thăm quan, thưởng ngoạn.

 Cũng trong hành trình du lịch của Lục Nam, tiềm năng được mở ra với nhiều di tích với những hiện vật cổ quý báu. Tuyến đường tâm linh chạy dài mấy chục cây số từ thành phố Bắc Giang qua các xóm thôn trù mật của huyện sẽ đưa du khách về thăm hương án đá cổ của chùa Khám Lạng, xuôi về Côn Sơn Kiếp Bạc du khách có thể đến thăm, thắp nén nhang thơm cầu mùa trên đền thờ Thần Nông của xã Cẩm Lý, ngược lên chùa Bảo An, đền Suối với những cảnh đẹp nguyên sơ và những giá hát văn thờ Mẫu âm vang suốt 4 mùa rồi đi về phía Tây Yên Tử, nơi còn lưu dấu tích của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Theo bốn phương, trên mảnh đất này, du khách có thể ghé thăm, thưởng ngoạn sự tôn nghiêm mà bình lặng những ngôi đình làng mấy trăm năm tuổi với kiến trúc hoa văn tinh xảo từ thời Lê như đình Vải- xã Bảo Sơn, Đình  Sàn- Xã Phương Sơn, đình Hà Mỹ- xã Chu Điện…  

Trong những năm qua, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng ở một số điểm du lịch đã từng bước được huyện Lục Nam quan tâm đầu tư xây dựng. UBND huyện đã tranh thủ thu hút đầu tư với số vốn đến hàng trăm  tỷ đồng để triển khai dự án cải tạo, nâng cấp khu danh thắng Suối Mỡ thành khu du lịch sinh thái, điểm du lịch cấp tỉnh. Tôn tạo đền Thần Nông và phục hồi lễ tế cầu mùa. Đặc biệt, công tác xã hội hóa đã góp phần không nhỏ vào nâng cấp, tôn tạo các di tích hiện có trên địa bàn. Đó chính là cơ hội, là tiềm năng để chúng ta mở hướng đi cho du lịch tâm linh sinh thái. Năm  2015  lễ hội đền Suối Mỡ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể,  cùng năm đó hương án đá chùa Khám Lạng được công nhận là Bảo vật quốc gia  khiến chúng ta càng thêm tự hào, tự tin và được tiếp thêm động lực để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản hiện có, tiếp tục đầu tư và phát triển để đưa du lịch phát triển thành một ngành công nghiệp mũi nhọn trong tương lai. 

Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, với việc quy hoạch các điểm phát triển du lịch lịch sử, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Du khách đến với Lục Nam không chỉ được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên của núi rừng hùng vĩ, sơn thuỷ hữu tình  mà còn có cơ hội đến thăm các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan, lắng nghe những làn điệu dân ca vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ và thưởng thức nhiều đặc sản của núi rừng đã được xây dựng thành thương hiệu như na dai Huyền Sơn, hạt dẻ Tứ Sơn, dứa mật Bảo Sơn … cùng nhiều sản vật, dược liệu quý và nhiều món ẩm thực phong phú như chả giã tay, gà đồi, xôi ngũ sắc cùng nhiều loại bánh của đồng bào dân tộc vẫn duy trì.

Du khách có thể đến thăm những mô hình kinh doanh rừng, cây ăn trái kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ thu nhập trên 500 triệu đồng 1 năm từ trồng cây ăn quả. Vườn rừng và dịch vụ từ rừng đã trở thành một điều kiện sống không thể thiếu được với người dân Lục Nam. Du khách có thể vừa ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ dưới tán cây rừng còn hoang sơ, được tắm mình dưới thác nước đổ của thác Suối Mỡ xã Nghĩa phương, Vực Rêu xã Cẩm Lý, suối Nước vàng xã Lục Sơn và thưởng thức rượu mật ong, rựu tíu bâu say ngọt lòng người, để cho cảm nhận mối giao hoà giữa con người và thiên nhiên hoà quyện vào nhau, để tâm hồn thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Để đưa du lịch phát triển thành một ngành công nghiệp trong tương lai, huyện Lục Nam đặt ra mục tiêu là huy động và sử dụng lồng ghép mọi nguồn lực để từng bước đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện. Trong đó cần lấy du lịch văn hóa lịch sử làm nền tảng gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề và du lịch tâm linh làm động lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đầu tư vào các loại hình du lịch  như Du lịch văn hóa lịch sử,  Du lịch tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội; và Du lịch sinh thái- làng nghề, khu vui chơi, giải trí.

Trên con đường xây dựng và phát triển, mảnh đất sông Lục núi Huyền đã đi vào thơ ca, huyền thoại và sáng lên trong khu vực vì những đổi thay mạnh mẽ không ngừng. Mảnh đất lịch sử và hào hùng với nhiều chứng tích còn lưu một thuở, lại có sự quan tâm của các cấp, các ngành và các nhà đầu tư chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và văn hóa, mảnh đất và con người Lục Nam sẽ là nơi lý tưởng để thu hút, gọi mời và níu chân du khách đến đây suốt cả bốn mùa./.

 

                                                                 THU THỦY

Thứ bảy, 04 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,399
Tổng số trong ngày: 5,543
Tổng số trong tuần: 69,365
Tổng số trong tháng: 43,014
Tổng số trong năm: 1,063,133
Tổng số truy cập: 13,723,755