Lục Nam phát huy tiềm năng, lợi thế tập trung phát triển du lịch tâm linh - sinh thái, du lịch cộng đồng

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Lục Nam là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch bởi sở hữu nhiều lợi thế từ sự đa dạng về địa lý đến bản sắc văn hóa. Thời gian qua, huyện chú trọng quảng bá tiềm năng du lịch đề thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, xây dựng hình ảnh Lục Nam là điểm đến hấp dẫn của du khách. Phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đăng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Nam một số vấn đề về định hướng phát triển du lịch của huyện.
.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Nam Nguyễn Văn Đăng.

PV: Thưa ông, việc xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong thời gian tới, vậy huyện Lục Nam đã đề ra những mục tiêu và nhiệm vụ như thế nào để đưa du lịch Lục Nam trở thành điểm nhấn trong định hướng phát triển du lịch chung của tỉnh?

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Nam Nguyễn Văn Đăng: Là một vùng đất có bề dầy lịch sử và truyền thống cách mạng với nhiều thành phần dân tộc chung sống cùng điều kiện thiên nhiên ưu đãi đã ban tặng cho Lục Nam một vùng sơn thủy hữu tình gắn cùng huyền thoại lịch sử từ thời Lý, Trần và con đường Hoằng dương Phật pháp do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai mở. Chính vì lẽ đó, UBND huyện đã thực hiện Nghị quyết về khuyến khích và thu hút đầu tư đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; đưa ngành du lịch ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Trong định hướng phát triển du lịch, địa phương đẩy mạnh triển khai hình thức du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành mô hình người dân, gia đình và cộng đồng làm du lịch, đầu tư khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa vật  thể và phi vật thể. Thời gian qua, các làng nghề và nghề truyền thống tiếp tục được UBND  huyện hỗ trợ phát triển; hiện nay người dân tộc thiểu số Cao Lan ở Khe Nghè xã Lục Sơn không chỉ dừng lại ở việc sản xuất thổ cẩm và giấy dó mà đã trăn trở tìm hướng để đưa sản phẩm thành sản phẩm du lịch, đến trưng bày, giới thiệu và bán trong các lễ hội truyền thống trong vùng, sản phẩm giấy dó thậm chí đã đi xa hơn và người giữ lửa, truyền nghề được công nhận là nghệ nhân chính là gốc rễ để đồng bào tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Lục Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, sản xuất nông lâm nghiệp, thương mại và du lịch. Huyện có một số cây trồng truyền thống, có giá trị kinh tế cao như vải thiều, cam đường canh, na dai, hạt dẻ, dứa. Vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện vẫn còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm, làm giấy dó truyền thống cùng những giá trị văn hóa độc đáo. Cùng đó, địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh và tiềm năng du lịch sinh thái như: Khu du lịch Suối Mỡ, rừng lim nguyên sinh xã Bình Sơn, Thác Giót xã Lục Sơn, khu nghỉ dưỡng hồ Suối Nứa (xã Đông Hưng), Vực Rêu xã Cẩm Lý. Từ đó, có thể khẳng định trước mắt và lâu dài Lục Nam là vùng đất  nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất hàng hoá, mở rộng giao lưu kinh tế, thương mại và du lịch.

PV: Vậy công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực du lịch của địa phương được triển khai như thế nào thưa ông?

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Nam Nguyễn Văn Đăng: Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực du lịch, huyện Lục Nam đã cho mở website dulichsuoimo.net, quảng bá về du lịch qua các kênh truyền thông và Cổng thông tin điện tử của huyện. Trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực xây dựng và phát triển du lịch. Đẩy mạnh hình thức du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành mô hình người dân, gia đình và cộng đồng làm du lịch. Quan tâm phát triển kinh tế, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, đầu tư khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống, các di sản văn hóa vật  thể và phi vật thể. Gắn xây dựng  nông thôn mới với việc phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng đường giao thông để du khách có thể dễ dàng đến với các khu du lịch trọng điểm. Nếu chọn khu du lịch sinh thái Suối Mỡ là trung tâm, du khách có thể theo đường Tây Yên Tử đến cụm di tích Đình và rừng lim, suối Đá Húc (xã Bình Sơn); suối Nước Vàng, Thác Giót (xã Lục Sơn). Cùng với đó, du khách cũng có thể theo QL37, QL31 đến các điểm di tích lịch sử văn hóa Đền Thần Nông, suối Rêu (xã Cẩm Lý); Hương án đá hoa sen chùa Khám Lạng được công nhận là bảo vật quốc gia, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Suối Nứa (xã Đông Hưng)…

Dân tộc thiểu số Cao Lan ở Khe Nghè ,xã Lục Sơn sản xuất giấy dó

PV: Trên cơ sở xác định rõ các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, Lục Nam đã xây dựng những cơ chế thu hút đầu tư như thế nào thưa ông?

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lục Nam Nguyễn Văn Đăng: Thời gian tới, huyện Lục Nam tiếp tục xây dựng cơ chế ưu đãi trong thu hút đầu tư cho phát triển du lịch, tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, huyện Lục Nam quan tâm đến phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng tại xã Nghĩa Phương, Huyền Sơn, Bình Sơn, Lục Sơn… Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa tâm linh bằng cách tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Suối Mỡ; tôn tạo nâng cấp các đình, chùa di tích lịch sử mang tính tín ngưỡng trên địa bàn huyện, tạo điều kiện khuyến khích, thu hút đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch tâm linh.

Bên cạnh đó, hoàn thành quy hoạch khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Suối Nứa, lập quy hoạch các vùng sản xuất cây ăn quả có chất lượng cao như na dai ở Huyền Sơn, Đông Phú, Nghĩa Phương, nhãn ở Đan Hội, Lục Sơn, Trường Sơn, Bình Sơn; dứa ở Bảo Sơn; cánh đồng rau mẫu lớn ở Chu Điện, Bảo Đài... kết hợp với du lịch được quy hoạch cụ thể và đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân yên tâm sản xuất, tăng cường đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ vào quy trình canh tác nông nghiệp. Tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông, lâm nghiệp của huyện như gà đồi, vịt trời,  hạt dẻ, dê núi, tắc kè, ba kích, na dai, củ đậu, khoai sọ, khoai lang… Tăng cường liên kết tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch về địa phương như tổ chức những ngày hội văn hóa, những giải thể thao lớn, tổ chức hội thảo, triển lãm, xây dựng sản phẩm mang tính thương hiệu của vùng miền. Liên kết các tour, tuyến trong vùng nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thế của các địa phương.

 Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Suối Nứa (xã Đông Hưng) (nguồn Internet)

Theo Cổng thông tin Điện tử Bắc Giang

Thứ bảy, 18 Tháng 05 Năm 2024

 

User Online: 20,334
Total visited in day: 4,228
Total visited in Week: 39,819
Total visited in month: 149,766
Total visited in year: 1,169,885
Total visited: 13,830,507