Sơ lược về Chùa Thịnh Mãn thuộc thôn Huê Vận 1, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Tóm tắt sơ lược về di tích lịch sử Chùa Thịnh Mãn thuộc thôn Huê Vận 1, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

         I. TÊN GỌI DI TÍCH

         Chùa Thịnh Mãn thuộc thôn Huê Vận 1, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu thực tế Di tích cũng như tìm hiểu các tư liệu lịch sử, Chùa Thịnh Mãn là Di tích có giá trị Lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Với những giá trị còn bảo lưu được, Chùa Thịnh Mãn, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2002/QĐ-UBND ngày 17/12/2012 của UBND tỉnh Bắc Giang.

          II. ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

          1. Địa điểm Di tích

          Theo sách Địa chí Bắc Giang từ điển, trang 54 có ghi: Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Chùa Thịnh Mãn thuộc xã Bảo Lộc, tổng Sơn Đình, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Nay Chùa  Thịnh Mãn thuộc  địa bàn thôn Huê Vận 1, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Thôn Huê Vận 1 có vị trí địa lý như sau:

          Phía Đông giáp thôn Tiên Do (cùng xã)

          Phía Tây Giáp thôn Bảo lộc 2 (cùng xã)

          Phía Bắc Giáp thôn Hồ Lương (cùng xã)

          Phía Nam giáp thôn thôn Buộm (xã Thanh Lâm)

          2. Đường đi đến Di tích

          Chùa Thịnh Mãn tọa lạc trên một khu đất đẹp, rộng ở trung tâm thôn Huê vận 1, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 18 Km về phía Đông Bắc.

          Từ Thành phố Bắc Giang du khách có thể đi theo Quốc lộ 1A (mới) đến Thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang khoảng 12 Km, rẽ phải đi theo hướng Tỉnh lộ 295 qua địa phận xã Tân Hưng khoảng 8 Km đến UBND xã Bảo Sơn. Từ UBND xã Bảo Sơn đi tiếp 200m rẽ trái đi tiếp khoảng 300m là đến Chùa Thịnh Mãn nằm ở trung tâm của thôn Huê Vận 1.

          Đường đi tới Di tích hoàn toàn đã được trải nhựa, bê tông chắc chắn, do vậy Du khách có thể đến tham quan Di tích bằng các phương tiện đường bộ như Ô tô, xe Máy, xe Đạp đều thuận tiện.

            III. PHÂN LOẠI DI TÍCH

          Tương truyền, Chùa Thịnh Mãn có lịch sử lâu đời nhưng trải qua thời gian, do sự tác động của thiên nhiên cùng diễn biến thăng trầm của Lịch sử, ngôi Chùa không còn giữ được dáng vẻ như ngày đầu khởi tạo. Chùa có chức năng thờ Phật, cũng là nơi sinh hoạt Văn hóa, tôn giáo của Nhân dân địa phương. Đây là một Công trình Văn hóa tôn giáo có giá trị về Lịch sử - Văn hóa, điều này được thể hiện ở những tiêu chí sau:

 Theo cuốn Từ điển địa chí, trang 691 do Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang (nay là sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) viết về Chùa cũ như sau: “ Chùa Thịnh Mãn là công trình Văn hóa, Tôn giáo cổ nằm ở một gò đất phía trước làng, có bố cục hình chữ “ Công”. Xưa kia Chùa có quy mô lớn, nay đã bị thu nhỏ gồm tòa Tiền đường một gian, hai chái, Thượng điện ba gian xây ở phía sau. Phần kết cấu chịu lực đều được làm gỗ Lim…”.

Cũng căn cứ vào các tài liệu, hiện vật còn tồn tại trong Di tích, cho biết: Chùa Thịnh Mãn là công trình Văn hóa Tôn giáo cổ được khởi dựng vào thời Nguyễn ( khoảng đầu thế kỷ XIX ) và được tu sửa nhiều lần trong các giai đoàn về sau này.

Hiện nay, Chùa Thịnh mãn được trùng tu, tôn tạo bao gồm tòa Tiền đường 3 gian và Thượng điện 2 gian tạo thành bố cục hình chữ J. Trong Chùa hiện còn lưu giữ được một số hiện vật cổ quý giá như: Hệ thống tượng phật gần 20 pho có niên đại thời Nguyễn ( thế kỷ XIX, XX) đa phần được tạo tác từ các chất liệu gỗ, bát hương sành (cuối thế kỷ XIX), Bia đá “ Hậu bi chí” (Niên hiệu Bảo Đại thứ 18 (1943)) cùng các đồ thờ tự… có giá trị  trong việc nghiên cứu khoa học và khẳng định giá trị của Di tích.

Ngôi Chùa được xây dựng ở nơi có cảnh quan không gian đẹp, là trung tâm sinh hoạt Văn hóa, tôn giáo và là một trong những nơi tổ chức Lễ hội truyền thống của nhân dân trong vùng.

Hội lệ hàng năm được tổ chức vào ngày 14,15 tháng Giêng với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc Văn hóa dân tộc như: Đấu vật, đập niêu, cờ tướng, chọi gà… và một số môn thể thao như Bóng đá, bóng chuyền, cầu  lông,…

          Với những giá trị nổi bật về Lịch sử, Văn hóa nêu trên. Căn cứ vào Điểm a, khoản 1, Điều 28, Mục 1 và Điểm a, khoản 1, Điều 29, mục 1, chương IV của Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009; Xác định tính chất và loại hình di tích Chùa Thịnh Mãn, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang thuộc loại Hình Di tích Lịch sử - Văn hóa

            IV. SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ VÀ ĐC ĐIỂM CỦA DI TÍCH

          1. Sự kiện diễn ra ở Chùa

          Tương truyền, Chùa Thịnh Mãn còn gọi là Chùa Mán, nằm ở thôn Mán (Địa danh cũ). Xưa kia, đây là Chùa chung của hai thôn Vân Trung (Vận) và Thịnh Mãn (Mán), Nhưng sau năm 1924-1925, hai thôn này tách ra thì Thôn Vân Trung lấy Đình, thôn Thịnh Mãn lấy Chùa và duy trì cho đến ngày nay.

          Căn cứ vào lời kể của các cụ cao niên trong thôn được biết: Chùa Thịnh Mãn từ khi xây dựng cho đến nay vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu. Bên cạnh có cây Dã Hưỡng cổ thụ hàng trăm năm tuổi, quanh năm tỏa ngát hương thơm nơi cửa phật

          Vào năm Bảo Đại thứ 18 (1943), Chùa được trùng tu tôn tại lại.

          Những năm gần đây, nhân dân địa phương tiếp tục tu sửa: Thay cột, dui, doành, lát sân, lát  nền… tạo cho ngôi Chùa có dáng vẻ khang trang. Năm 2021 Chùa được xây dựng lại trên nền móng cũ và được khánh thành năm 2022 là nơi sinh hoạt Văn hóa tôn giáo của nhân dân trong vùng.

          2. Nhân vật lịch sử

          Chùa Thịnh Mãn là nơi thờ Phật, đồng thời cũng là nơi tổ chức sinh hoạt Văn hóa tôn giáo, nơi tổ chức Lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hằng năm, cứ vào ngày 14, 15 tháng Giêng cùng với Đình Thịnh Mãn, hội Chùa lại được tổ chức. Các cụ Bà khắp nơi trong và ngoài xã lại nô nức lên Chùa, khách thập phương cũng háo hức đến đây niệm phật.

          Công trình có bố cục hình chức J, Gồm tòa Tiền đường 3 gian và Thượng điện 2 gian. Trong Chùa hiện còn lưu giữ được một số hiện vật cổ quý giá như: Hệ thống tượng phật gần 20 pho có niên đại thời Nguyễn (Thế kỷ XIX-XX) đa phần được tạo tác từ chất liệu gỗ, Bát hương (cuối thế ký XIX), Bia đá “ Hậu bi chí” niên hiệu Bảo Đại thứ 18 (1943) cùng các đồ thờ tự… có giá trị trong việc nghiên cứu khoa học và khẳng định giá trị của Di tích

            V. SINH HOẠT VĂN HÓA TÔN GIÁO LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

          Làng Mán ngày xưa, nay là làng Thịnh Mãn thuộc xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang là một thôn nhỏ, dân cư sinh sống rải rác xung quanh. Từ xa xưa, Chùa Thịnh Mãn là nơi diễn ra các hoạt động Văn hóa, tôn giáo, hội họp công việc chung của dân làng. Hằng năm, vào ngày 14, 15 tháng Giêng, cùng với Đình Thịnh Mãn, dân làng lại nô nức tổ chức Lễ hội truyền thống.

          Theo hội lệ của Chùa Thịnh Mãn xưa, ngoài phần lễ tổ chức Dâng hương cúng Phật, nhân dân còn tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Đấu vật, Đập niêu, Chọi gà, chơi Đu…thu hút đông đảo nhân dân thập phương đến dự hội.

          Lễ hội Chùa Thịnh Mãn được tổ chức long trọng, vui nhộn. Sau lễ Dâng hương cúng Phật là các tiết mục văn nghệ giao lưu giữa các thôn bạn diễn ra trước sân Chùa, Một nhóm các cụ bà khác biểu diễn các bài thể dục Dưỡng sinh.

          Ngoài Lễ hội chính được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng Giêng thì hằng năm ở Chùa Thịnh Mãn  còn một số tiết lệ như sau:

          - Lễ vào Hè: không ấn định ngày cụ thể trong tháng. Lễ cúng Hoa quả, Xôi, Oản, Hương đăng… sau khi làm lễ cúng Phật, nhân dân thụ lộc tại Chùa.

          - Lễ ra Hè: được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 âm lịch. Trong ngày này, các cụ làm Lễ ra hè có hoa quả, hương đăng, xôi oản… cùng với lễ ra hè, nhân dân còn làm lễ Chiêu hồn Liệt sĩ cho các con em trong thôn đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc

          - Lễ Tất niên: được tổ chức vào ngày 14 tháng 12 âm lịch. Lễ Tất niên được tổ chức đơn giản, chỉ làm lễ cúng Phật. Làm lễ xong các cụ ngả Lễ thụ lộc tại Chùa.

.           VI. KHẢO TẢ DI TÍCH

          1. Vị trí địa lý

          Chùa Thịnh Mãn tọa lạc trên khu đất cao ráo ở Trung tâm thôn Huê Vận 1, cạnh ngôi Đình Thịnh Mãn tạo nên một quần thể Di tích liên hoàn Đình trước Chùa sau, nhìn về hướng Nam. Hiện nay Di tích Chùa Thịnh Mãn có vị trí địa lý như sau:

          - Phía Đông giáp cánh đồng

          - Phía Tây giáp Đình Thịnh Mãn

          - Phía Nam Giáp cánh đồng

          - Phía Bắc giáp cánh đồng.

          2. Không gian cảnh quan

          Bao quanh trước sau là cánh đồng Làng trải rộng xanh ngát một màu của Ngô, khoai, lúa. Đặc biệt bên góc phải của sân Chùa còn lưu giữ được một cây Dã Hương cổ thụ mà theo lời kể của các Cụ cao niên trong thôn thì cây có đến hàng trăm năm tuổi. Đứng dưới sân Chùa cảm nhận mùi thơm của cây tỏa ra thật quyến rũ như muốn níu giữ chân người lữ khách mỗi khi đến đây thăm quan, nghiên cứu. Cảnh quan nơi đây thoáng rộng, cây cối tươi xanh càng tô điểm cho Di tích thêm uy nghiêm, tĩnh tại. Nhìn tổng thể đây là một công trình tôn giáo còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính.

          3. Khảo tả Di tích

          Khuôn viên di tích trồng nhiều cây xanh, quanh năm xanh tốt cho bóng mát, tạo cho ngôi Chùa vẻ u tịch, thâm nghiệm. Sân được làm ở Phía trước Chùa. Khoảng sân nhỏ được lát bằng gạch vuông truyền thống khang trang, sạch đẹp, bó vỉa xung quanh. Sân và nội tự được ngăn cách bởi hệ thống bậc tam cấp xây gạch phủ vữa. Công trình được tu bổ lại với kích thước và mặt bằng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh bao gồm tòa Tiền Đường và Thượng điện có tổng kích thước là 14,68 x 15,68 m. Tòa Tiền đường bao gồm 5 gian có kích thước 14,68m x 6,96m. Tòa Thượng điện bao gồm 3 gian có kích thước là 6,48m x 8,72m. Chiều cao tới dạ tàu phía trước của tòa Tiền đường là 2,56m, chiều cao tới dạ tàu phía sau là 2,88m; Cao tới nóc (Thượng lương) là 5,04m. Phía trước của tòa Tiền đường bố trí 2 cột trụ đồng. các chi tiết trang trí được đắp theo lối kiến trúc cổ truyền thống. Nền được lát bằng gạch gốm, lát theo lối chữ Công. Cửa được đóng theo kiểu thượng song hạ bản và ván ghép bằng gỗ Lim Nam Phi. Mái được lợp bằng Ngói mũi truyền thống, Bậc tam cấp bằng gạch đặc. chân cột được bố trí bằng chân tảng đá xanh đục lá theo kiểu lá đề bao quanh.

VII. CÁC TÀI LIỆU, HIỆN VẬT CÓ TRONG DI TÍCH

  1. Câu đối

1.1. Phiên âm: “ Phạn vũ vĩnh truyền lưu hoàn quả

              Thiên môn triệu thủy tự hoa nhân”

Tạm dịch: “Chùa thiêng muôn thuở lưu hoàn quả

              Cửa Thiền bắt đầu tự người tài”

1.2. Phiên âm:

“ Bảo đài mạnh dẫn danh lam thịnh

Phất Lộc nhân tùy thắng địa long”

Tạm dịch:

“Đất Bảo Đài sinh ra những danh lam nổi tiếng

Người Phất Lộc cũng nhờ vậy mà thịnh”

1.3 Phiên âm:

“Phật tiên phi loan vân trung hạ

Thánh thần giá hạc sơn thượng lai”

Tạm dịch:

“Phật tiên bay như chim Loan từ trong mây xuống

Thành thần phi như chim hạc từ trên núi đến”

          2. Văn bia

          Phiên âm:

HẬU BÍ CHÍ

“ Bắc Giang tỉnh, Lục Ngạn phủ, Sơn Đình tổng, Bảo Lộc xã, Thịnh Mãn thôn, kỳ lao, lý dịch đồng thôn đẳng lập bi chí. Phù ngô thôn chi tự vũ kinh cửu đồi hoại, phật tượng kim dĩ khoét thương ư thị. Dân thôn hội hợp… kỳ công ngân thô đắc bách phần chi tam, nan thành phúc quả, các thử hữu bản thôn nhân tiền Chánh tổng, thưởng thụ Chánh cửu phẩm bách hộ Giáp Văn Bảo kiết thủ công ngân thiểu hứa đại hưng, thổ mộc, công dịch, tự xuất gia tin hi trùng tu tự vũ, khắc thành mộc tượng. Cố ngô thôn chi nhân dân vọng kiến tự vũ chi ngật, lập phật tượng chi huy hoàng, nghi sung chi, bái chi, khai chi. Thi viết: Đổ kỳ tắc tư kỳ nhân, kiến kỳ cảnh tắc tư kỳ đức. Cố ngô thôn chi minh vu thạch bi truyền chi hậu thế vạn đại tử tôn vô biến dã.

          Tư lập bi từ thời Bảo Đại thập bát niên, tứ nguyệt, sơ cửu nhật  lập bi chí. Giáp Văn Cửu ký. Giáp Văn Biên ký. Diệc Khố Ngũ trưởng Giáp Văn Viên ký. Giáp Văn Vạn, Giáp Văn Khâm ký.

          Tạm dịch:

          Kỳ lão. Lý dịch, cùng các bậc trên dưới thôn Thịnh Mãn, xã Bảo Lộc, tổng Sơn Đình, phủ Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang lập bia ghi việc. Chùa của thôn ta trải bao mưa nắng bị đổ nát, Phật tượng bị hư hại nặng. Đó là một nỗi đau đớn. Vì vậy, dân thôn đã hội họp bàn bạc nhưng do kinh tế khó khăn chỉ được 3 %, khó thành phúc quả. Nay bản thôn có người vốn làm Chánh tổng, giữ chức Chánh Cửu phẩm bách hộ là Giáp Văn Bảo đã giúp đỡ từ những việc nhỏ đến việc lớn như Thổ mộc, Công dịch, lại xuất Tiền của trùng tu ngôi Chùa, trang hoàng tượng Phật. Nhờ vậy, nhân dân trong thôn có được ngôi Chùa khang trang tố hảo, Phật tượng huy hoàng, nên mọi người đều sùng bái, thờ phụng, mến yêu ông. Kinh thi có câu: Trông cây mà nghĩa đến người, trông cảnh mà nghĩ đến đức. Vì vậy, nhân dân trong thôn đã khắc bia đá để lưu truyền hậu thế cho con cháu muôn đời sau.

          Ngày 9 tháng 4 năm Bảo Đại thứ 18 (1943) lập bia. Giáp Văn Cửu ký, Giáp Văn Biên Ký. Diệc Khố Ngũ trưởng Giáp Văn Viên ký. Giáp Văn Vạn, Giáp Văn Khâm ký.

VIII. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC, THẢM MỸ CỦA DI TÍCH

          Di tích Chùa Thịnh Mãn là công trình Văn hóa tôn giáo có lịch sử xây dựng từ lâu đời, trải qua thời gian, do sự tác động của Thiên nhiên cùng diễn biến thăng trầm của Lịch sử, ngôi Chùa không còn giữ được dáng vẻ như ngày đầu khởi tạo. Tuy nhiên, với ý thức lưu giữ những Di sản của Cha ông để lại nên người dân nơi đây vẫn bảo lưu được hệ thống Tượng Phật và một số đồ thờ tự cổ. Chùa là trung tâm sinh hoạt Văn hóa, tôn giáo của nhân dân trong thôn, nó có ý ngĩa về mặt giáo dục truyền thống và nghiên cứu Văn hóa, lịch sử của một thời xa xưa.

          Đây là một công trình văn hóa tôn giáo có giá trị về Lịch sử - Văn hóa, điều này được thể hiện ở những tiêu chí sau:

          Giá trị văn hóa vật thể tại Chùa: Chùa Thịnh Mãn là công trình Văn hóa tôn giáo được khởi dựng vào thời Nguyễn ( khoảng đầu thế kỷ XIX). Tuy rằng đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo ở các giai đoạn sau này nhưng ngôi Chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính cùng hệ thống các Di vật, cổ vật, tượng thờ. Đây là những tài liệu, hiện vật có giá trị trong nghiên cứu khoa học và  mang giá trị Lịch sử - Văn hóa cần được bảo tồn và phát huy.

Giá trị văn hóa phi vật thể tại Chùa: Ngôi Chùa là trung tâm sinh hoạt Văn hóa, tôn giáo  của người dân trong thôn đồng thời là nơi tổ chức Lễ hội truyền thống của người dân địa phương. Hằng năm, vào ngày 14, 15 tháng Giêng, cùng với Đình Thịnh Mãn, dân làng lại nô nức mở hội truyển thống. Trong ngày hội, cùng với cuộc Dâng hương lễ Phật trang nghiêm, thành kính, ở hội Chùa Thịnh Mãn còn diễn ra một số hoạt động văn hóa văn nghệ như: Hát văn giao lưu nghệ thuật giữa các thôn, tập thể dục dưỡng sinh…Lễ hội tại di tích Chùa Thịnh Mãn đã đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân nơi đây nói riêng và nhân dân trong vùng thuộc xã Bảo Sơn nói chung.

* Một số hình ảnh về di tích lịch sử Chùa Thịnh Mãn

 

HUYỆN ĐOÀN LỤC NAM

Chủ nhật, 19 Tháng 05 Năm 2024

 

User Online: 10,944
Total visited in day: 3,681
Total visited in Week: 3,680
Total visited in month: 155,005
Total visited in year: 1,175,124
Total visited: 13,835,746