Đồng chí Hoàng Ngọc Cầm, tận tụy với công việc, vì nhân dân phục vụ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Là sinh viên chuyên ngành Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Học viện Cảnh sát nhân dân - một trong những nhà trường hàng đầu của ngành Công an trong lĩnh vực đào tạo sĩ quan Cảnh sát. Ngay sau khi tốt nghiệp, được phân công công tác tại đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an huyện Lục Nam, đồng chí Hoàng Ngọc Cầm, ngay những ngày đầu nhận nhiệm vụ, đồng chí đã không ngừng nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…

Tôi gặp lại đồng chí Hoàng Ngọc Cầm vào một ngày giữa tháng Tám, trong cái nắng giòn của những ngày tháng mùa thu lịch sử, sau khi anh vừa kết thúc và trở về đơn vị từ Hội thao ứng dụng nghiệp vụ lực lượng CAND năm 2022 được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là năm thứ hai anh tham gia Hội thao do Bộ Công an tổ chức với nội dung chạy ứng dụng cự ly 5000m vũ trang (tức là vác thêm một khẩu tiểu liên AK, trọng lượng rơi vào tầm 3,3kg đến 3,8kg chưa lắp đạn). Nhìn nước da sạm hẳn đi so với thời điểm trước khi tập luyện và thi đấu, tôi cũng phần nào hình dung ra được cường độ tập luyện của đội tuyển ở một trong những nội dung được đánh giá là rất khó, đòi hỏi cao về sức khỏe và sự bền bỉ, dẻo dai.

         

Đồng chí Hoàng Ngọc Cầm tham gia Hội thao ứng dụng nghiệp vụ lực lượng CAND năm 2022

                                                                        

Nụ cười tươi trên môi, tôi biết anh đang rất vui, đã bảo vệ thành công tấm Huy chương Bạc đồng đội mà anh đã giành được tại Đà Lạt năm 2020 ở cùng nội dung thi đấu. Không có phần thưởng nào xứng đáng hơn một tấm huy chương trong cuộc đời của người vận động viên; tôi đã nghĩ về kết quả này, nghĩ rằng anh sẽ làm được, dù khó khăn, vì anh là người luôn nỗ lực trong mọi công việc.

Là con cả trong gia đình có hai anh em, bố mẹ đều là những lão nông thực thụ, bản thân anh còn là người dân tộc thiểu số nên từ nhỏ anh đã học được cách phải tự lập trong sinh hoạt. Ngoài giờ học trên trường, anh cùng em trai phụ giúp bố mẹ chăn trâu, làm cỏ và chăm sóc vườn vải hơn trăm gốc. Anh kể tiếp, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh không đi học đại học mà đi học nghề với ý nghĩ giúp đỡ bố mẹ nuôi em trai bước tiếp trên con đường học vấn.  Tôi hỏi anh, nếu không làm Công an thì giờ anh làm gì?

Anh thoáng chậm nhớ lại, rồi trả lời tôi, nếu không làm Công an, có thể giờ này anh đang là một bác sĩ nha khoa, anh cười. "Hồi đó, lo cho con cái đi học đại học cũng vất vả lắm em ạ, mà gia đình làm nông, cứ vào thời vụ là bận tối mắt tối mũi, anh nhớ mãi". Nghe câu chuyện của anh, tôi bỗng dưng nhớ về thời gian tôi còn bé, cách đây khoảng gần 20 năm, ông bà ngoại cũng cho mẹ tôi mấy sào ruộng để canh tác. Mặc dù không làm thuần về nông nghiệp, nhưng ruộng ông bà cho mà bỏ không mẹ tôi cũng tiếc nên cứ phải theo. Sau cũng vì quá vất vả mà bỏ, phần ruộng đó mẹ gửi bác tôi làm. "Thế cơ duyên nào để anh quyết định thi vào Học viện Cảnh sát?", tôi hỏi. "Cũng khó nói rõ là như thế nào, họ hàng nội ngoại nhà anh thì không có ai trong lực lượng vũ trang nên cũng không có ai định hướng, tự mình tìm hiểu rồi đăng ký thi thôi", anh cười và nói tiếp "nhưng cũng có một phần lí do anh thích nghề Công an là từ những bộ phim Cảnh sát hình sự của mình sản xuất, hồi đó thấy các chú, các anh khoác bộ quân phục thì cũng ước mơ lắm". Anh kể, ban đầu anh cũng đắn đo, vì bản thân đã ngưng việc học 2 năm, nay lật lại sách vở thì cũng ngại lắm, nhưng phải quyết tâm hết sức. "Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Học viện Cảnh sát nhân dân, mừng lắm chú ơi, bố mẹ anh cũng mừng nữa, mặc dù bố mẹ chưa bao giờ tạo áp lực về vấn đề học hành nhưng anh biết bố mẹ anh cũng mong hai anh em thoát li cho đỡ khổ". Anh kể lại, trong ánh mắt vẫn ánh lên những niềm vui, làm tôi cũng vui lây.

Anh và tôi cùng học ở Học viện Cảnh sát nhân dân nhưng anh học trên tôi hai khóa. Ngày đó trong trường, mỗi một huyện, thành phố đều thành lập hội đồng hương, anh em các khóa, từ các thầy, cô ở lại trường làm công tác giảng dạy đến học viên các khóa đều sinh hoạt chung trong hội, gần gũi mà vui, hội đồng hương cũng là một "tổ chức" để anh em cùng giúp đỡ nhau trong việc học tập, rèn luyện. Tôi nhớ những ngày mới nhập học, lần đầu tiên xa nhà, cái gì cũng mới, cũng lạ, chính anh đã quan tâm, động viên, giúp đỡ để tôi sớm làm quen với cuộc sống "cơm bếp giường tầng" của sinh viên các trường CAND.

Đồng chí Hoàng Ngọc Cầm, trong một buổi tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh THPT Lục Nam

Đến tháng 10 năm 2018, khóa của anh tốt nghiệp ra trường. Được phân công về công tác đúng chuyên ngành đã đào tạo, anh cố gắng phát huy những kiến thức đã được học trong trường, đồng thời cũng học hỏi nhiều điều từ chỉ huy, cán bộ đã có kinh nghiệm công tác thực tiễn để dần hoàn thiện bản thân. "Vậy anh gặp khó khăn gì khi mới nhận công tác tại đội?", tôi thắc mắc. "Khó khăn lớn nhất là mình trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn công tác em à, cho nên phải làm sao để lãnh đạo, chỉ huy tin tưởng mà giao việc", anh chia sẻ. "Kiến thức anh em mình được thầy cô trang bị là lý luận, còn đưa lý luận vào thực tiễn lại đòi hỏi mỗi người phải biết vận dụng linh hoạt và sáng tạo, nếu không thì những kiến thức đó chỉ là lý thuyết trên sách vở". Ngoài những kiến thức thầy cô đã truyền đạt, anh cho biết anh cũng học hỏi được rất nhiều kỹ năng, cách làm hay và sáng tạo từ chính đội trưởng của mình. "Miễn là bản thân mình đừng ngại học hỏi thì bất kì ai cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ, truyền đạt "bí kíp" cho mình em ạ", anh bộc bạch. Là một cán bộ trẻ công tác thực tế được gần 4 năm, so với cuộc đời binh nghiệp của một người lính CAND chưa phải là dài, nhưng anh đã được Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị tin tưởng về năng lực, phẩm chất, đánh giá là cán bộ có triển vọng phát triển trong tương lai. Nhìn góc làm việc được sắp xếp khoa học, gọn gàng, trên bức tường vôi vữa đã cũ treo kín giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh, tôi thầm cảm phục sự cố gắng, nỗ lực, chưa ngại khó bất kể nhiệm vụ nào được lãnh đạo, chỉ huy giao của anh. Mặc dù là một cán bộ điều tra, song trong công tác trinh sát, anh cũng để lại nhiều dấu ấn. Điểm lại những thành tích trong công tác, chỉ tính riêng trong năm 2022, anh đã xác lập và đấu tranh thành công 7 hiềm nghi, phá 3 chuyên án. Đây thực sự là những con số ấn tượng, là quả ngọt của sự cố gắng, không chỉ của riêng anh mà còn là thành tích tiêu biểu của đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong lĩnh vực chuyên môn. Trong suốt thời gian công tác tại Công an huyện, tôi hỏi anh vụ việc nào để lại ấn tượng cho anh nhất. Trước khi anh trả lời, trong đầu tôi đã nghĩ về hai đáp án, hoặc là vụ việc anh trực tiếp phát hiện và cùng đồng đội bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép 280,1kg pháo nổ (là vụ việc buôn bán pháo nổ lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện Lục Nam), hoặc là vụ việc bắt giữ đối tượng mua bán trái phép 959 gam ketamine (đây cũng là vụ việc được đánh giá là rất lớn so với các đơn vị thuộc lực lượng Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện trong những năm gần đây), vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của từng vụ và cũng là những vụ việc nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nói riêng, lực lượng Công an huyện Lục Nam nói chung. Anh dừng lại một lát, và trả lời tôi “Anh ấn tượng nhất là vụ việc bắt giữ đối tượng mua bán trái phép chất ma túy trên sông Lục Nam hồi tháng 12 năm ngoái.Vụ việc đó, nếu để tính lượng ma túy thu được thì không hẳn là lớn, nhưng tính chất phức tạp của địa hình mà các đối tượng lựa chọn mới thực sự làm anh nhớ mãi. Tôi nghe anh kể tiếp về việc chúng lựa chọn cách giao dịch thế nào, thu tiền của con nghiện ra làm sao, rồi làm thế nào để che mắt lực lượng Công an, việc lựa chọn sông Lục Nam để thực hiện hành vi phạm tội cũng thể hiện sự xảo quyệt của nhóm đối tượng (các đối tượng dùng thuyền, neo đậu trên sông để bán ma túy cho các con nghiện). Tôi không biết anh có nhận ra hay không, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự hưng phấn trong giọng anh kể, như câu chuyện mới chỉ xảy ra mới đây.

Đồng chí Hoàng Ngọc Cầm, giúp học sinh nhận biết một số dụng cụ mà các đối tượng thường dùng để sử dụng ma túy

Buổi nói chuyện diễn ra vào thời gian hiếm hoi mà tôi thấy anh thực sự rảnh, nhưng chốc chốc anh vẫn liếc nhìn vào màn hình điện thoại, và tôi có để ý anh lấy hình con gái làm hình nền. Trong ảnh, con bé đang ngủ, một vẻ vô lo vô nghĩ. Tôi biết con bé, cháu ở nhà được gọi là Sumi, được hơn 14 tháng tuổi. Chia sẻ với tôi, anh giãi bày “Thực sự anh phải cảm ơn vợ anh rất nhiều vì đã thấu hiểu và thông cảm cho công việc của anh. Ngoài thời gian làm việc, một tuần cũng phải trực 3 đến 4 buổi, nhiều lúc con cái ốm đau cũng là một mình vợ anh lo lắng. Nhưng cũng may là con bé ngoan ngoãn nên vợ chồng anh cũng đỡ vất vả, chỉ thương con gái là đã phải gửi đi lớp mầm non để bố mẹ đi làm”. Tôi cũng có nhiều các anh trong hoàn cảnh giống anh và tôi thực sự nghĩ những người vợ, những người mẹ như thế thì còn có thể bị làm khó bởi điều gì, khi tính chất công việc không thể cho những người bố dành
thật nhiều thời gian cho gia đình. Cuộc trò chuyện với anh kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, tôi không nghĩ
thời gian lại trôi nhanh như thế. Quay trở lại phòng làm việc, tôi cứ nghĩ mãi về anh, một người thanh niên, một người chiến sĩ CAND sống tận hiến, sống hết mình vì một màu áo xanh áo lính. Chợt tôi nghĩ về mấy câu thơ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thanh niên Việt Nam:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

Tác giả: Nguyễn Trọng Thiện - Công an huyện Lục Nam

Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 16,598
Tổng số trong ngày: 9,075
Tổng số trong tuần: 49,417
Tổng số trong tháng: 93,293
Tổng số trong năm: 1,113,412
Tổng số truy cập: 13,774,034