Giới thiệu chung

|
Lượt xem:

Lục Nam là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, được thành lập theo Nghị định số 24/NĐ-TTg ngày 21/01/1957 của Thủ tướng Chính phủ, phía Bắc giáp huyện Lục Ngạn, phía Tây giáp tỉnh Lạng Sơn và huyện Lạng Giang, huyện Yên Dũng, phía Nam giáp tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Có diện tích gần 600km2 trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 18.720 ha, đất lâm nghiệp 27 nghìn ha, còn lại là một số diện tích đất khác; dân số gần 21 vạn người, gồm 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 13%. Toàn huyện có 23 xã và 2 thị trấn, với 282 thôn bản TDP; hệ thống giao thông khá thuận lợi có Quốc lộ 31, QL 37 và tỉnh lộ 293, tỉnh lộ 295 chạy qua, kết hợp với tuyến đường sắt Hà Nội – Quảng Ninh và tuyến đường sông Lục Nam, đây là điều kiện rất thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán. Lục nam có vị trí chiến lược trọng yếu, có đường giao thông lớn nối liền với các tỉnh trong vùng. Huyện có thuận lợi trong giao lưu văn hoá, kinh tế giữa các vùng miền núi và đồng bằng, là thời cơ để Lục Nam có những bước chuyển mình, bứt phá, tạo nên diện mạo mới của một huyện đang phát triển.

Kế tiếp thành quả của nhiều thời kỳ, sự cố gắng vươn lên vượt bậc của các cấp chính quyền và nhân dân toàn huyện trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XIX, thực hiện kế hoạch 5 năm (2015 - 2020) và tiếp tục mở ra những thời cơ và thuận lợi mới cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện từ nay đến năm 2020. Trong các năm qua, nền kinh tế của huyện Lục Nam có những chuyển biến rõ rệt, cơ cấu nền kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực với mức tăng trưởng khá, sản xuất nông - lâm nghiệp, thuỷ sản ngày một ổn định và sản xuất theo hướng hàng hoá. Cụ thể:  Tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn huyện đạt 9,5%, trong đó ngành công nghiệp - TTCN và xây dựng cơ bản đạt 17,9%, nông - lâm - ngư nghiệp đạt 6,8%, thương mại - dịch vụ đạt 7,1%. Trong lĩnh vực công nghiệp - TTCN và xây dựng nông thôn nhờ có những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở nên trong năm qua có đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào huyện sản xuất kinh doanh, với số vốn hàng trăm tỷ đồng tạo nên diện mạo mới về sự phát triển của huyện.  Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm. Không chỉ làm tốt công tác phát triển kinh tế, Lục Nam còn chú trọng tới phát triển văn hoá - xã hội như: Y tế, Giáo dục, Văn hoá, Du lịch...

          Định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, huyện Lục Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, coi trọng phát triển công nghiệp – TTCN, chú trọng đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ. Đây chính là thế mạnh giúp huyện phát triển tạo ra thế chân kiềng đi lên của huyện. Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Tổng cục du lịch, Huyện uỷ, UBND huyện đã xác định phát triển du lịch là tiềm năng, có thế mạnh của huyện. Lục Nam là huyện có có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng, điều đáng chú ý là các cảnh quan thiên nhiên đẹp kết hợp với yếu tố văn hoá tâm linh. Nổi trội trong quần thể thắng cảnh tự nhiên của Lục Nam phải kể đến Khu di tích thắng cảnh Suối Mỡ được du khách đánh giá đánh giá là điểm hẹn du lịch trong tương lai. Nơi đây có dòng suối hoang sơ nhưng đầy quyến rũ với cảnh quan huyền bí của núi rừng. Đến với Suối Mỡ du khách được tận hưởng bầu không khí trong lành, cùng những cảnh quan thiên núi rừng và được trở về với thế giới tâm linh và tín ngưỡng với những ngôi đền thờ Thánh mẫu thượng ngàn, Đền thờ đức Thánh Trần, để cầu phúc, cầu lộc cầu tài. Ngoài di tích thắng cảnh Suối Mỡ, huyện Lục Nam còn nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khác như: Suối Nước Vàng nằm giữa vùng Tây Yên Tử, thác Rêu hay công trình hồ nhân tạo Hồ Suối Nứa và những đồi rừng, vườn cây ăn quả, kết hợp bạt ngàn rừng Tây Yên Tử.

Lục Nam còn có nhiều tiềm năng về du lịch nhân văn. Từ xa xưa khi dân Việt đã sinh sống và cư trú tại huyện Lục Nam, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người Lục Nam hôm nay đã tạo dựng được cho quê hương mình một nét truyền thống văn hoá mang đậm chất văn hoá. Hiện nay trên địa bàn huyện còn hơn 200 di tích văn hoá, trong đó có hơn 86 di tích văn hoá, lịch sử đã được Bộ VH-TT và UBND tỉnh công nhận xếp hạng, trong đó có nhiều ngôi chùa, ngôi đình cổ có giá trị văn hoá kiến trúc, ẩn chứa nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử. Không chỉ vậy, đến với Lục Nam du khách còn được tắm mình trong những đêm hội hát then, hát lượn, hát soong hao mang đậm văn hoá tộc người.

Điều dễ nhận thấy, Lục Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, bởi nguồn tài nguyên ở đây hết sức phong phú và đa dạng, bao gồm cả cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng các di tích lịch sử văn hoá, lễ hội, sản phẩm độc đáo của địa phương… có sự hấp dẫn với khách du lịch. Bởi vậy, đây chính là tiền đề quan trọng để cho Lục Nam phát triển du lịch với tốc độ nhanh trong giai đoạn 2015 – 2020. Mặt khác Lục Nam còn có vị trí địa lý tương đối thuận lợi trong việc giao lưu với các trung tâm lớn của cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…bằng các tuyến đường bộ, đường thuỷ, đường sắt. Chỉ tính riêng năm 2019, Lục Nam đã đón trên 185.000 lượt người đến Khu du lịch Suối Mỡ, tăng 56,7% so với năm 2018.

Song hiện nay tiềm năng du lịch của huyện vẫn chưa thực sự được khai thác hết tiềm năng vốn có của mình, do nguồn vốn đầu tư của huyện còn hạn hẹp, công tác quảng bá cho các hoạt động du lịch của huyện chưa thực sự được đầu tư bởi nguồn ngân sách của địa phương còn khó khăn. Trong những khó khăn đó, thời gian qua các cấp chính quyền huyện Lục Nam đã cố gắng trong việc quản lý và quy hoạch, huyện đã tiến hành lập quy hoạch Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ với tổng diện tích ban đầu là 350 ha, đến nay đã phát triển lên trên 1.100 ha. Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Suôi Mỡ đã phát huy tốt chức năng quản lý nhà nước về du lịch, chỉ đạo và tổ chức tốt các hoạt động văn hoá, tâm linh, Lễ hội Suối Mỡ hàng năm, tăng cường công tác tác bảo vệ cảnh quan môi trường và sinh thái.

Không chỉ vậy, do nhận thức được vai trò của của cơ sở hạ tầng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển, trong thời gian qua UBND huyện Lục Nam cùng các ngành của tỉnh tiếp nhận và đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào công tác xây dựng cơ sở hạ tầng như: Xây dựng hạ tầng tại khu du lịch sinh thái Suối Mỡ và Hồ chứa nước Suối Mỡ. Dự án khu du lịch Suối Mỡ hoàn thành đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo khu du lịch, tăng khả năng thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư. Hiện nay huyện đã đề ra các cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở, du lịch Lục Nam đã bước đầu thu hút được nhiều nhà đầu tư và khảo sát, thăm dò và lập dự án đầu tư tại khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, Suối Nước Vàng, Hồ Suối Nứa, Suối Rêu…. tạo cho du lịch có bước khởi sắc.

Định hướng phát triển của du lịch Lục Nam trong giai đoạn 2020 - 2025 là: Trên cơ sở xác định rõ các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, có những cơ chế đầu tư và thu hút đầu tư hợp lý nhằm khai thác ngày một lớn hơn các lợi thế về tài nguyên, cảnh quan, môi trường và các cụm di tích lịch sử - văn hoá…để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời kỳ mới.  Huyện sẽ tập trung cao hơn cho việc thu hút đầu tư vào phát triển khu du lịch Suối Mỡ để trở thành điểm nhấn, tạo tiền đề mở rộng phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung vào việc xây dựng quy hoạch các điểm du lịch khác như: Hồ Suối Nứa, Suối Nước vàng…, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.

Bên cạnh công tác quy hoạch phát triển du lịch, huyện có chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch; xây dựng các thiết chế văn hoá, gắn phát triển văn hoá với du lịch; khuyến khích các cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ để phục vụ khách du lịch; đầu tư các điểm vui chơi cho khách du lịch; khai thác vốn văn hoá truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính dân tộc; khôi phục các lễ hội và làng nghề truyền thống như: Mây tre đan, dệt vải của đồng bào dân tộc…., tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Để khách du lịch đến với Lục Nam ngày một nhiều hơn thì công tác tiếp thị, quảng cáo cũng đặt biệt được coi trọng bởi đây cũng là khâu quyết định đến sự tăng trưởng của du lịch. UBND huyện sẽ tích cực tuyên truyền quảng cáo về tiềm năng du lịch của huyện, chú trọng đến việc phát triển và đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch cũng như các kiến thức về văn hoá, du lịch cho nhân dân ở những nơi có điểm du lịch. Tổ chức tuyên truyền và giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân để mọi người có ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và cảnh quan văn hoá; tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng cục du lịch, Sở văn hoá thể thao và du lịch tỉnh trong việc đầu tư phát triển về nguồn nhân lực.

Song, để những thế mạnh du lịch của huyện phát triển và trở thành ngành kinh tế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, bên cạnh những cố gắng của chính quyền và nhân dân địa phương rất cần có sự quan tâm giúp đỡ  và ủng hộ của Tổng cục du lịch, tỉnh Bắc Giang và sự đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, có như vậy, du lịch Lục Nam mới thực sự chuyển mình và không bao lâu nơi đây sẽ trở thành điểm rừng chân lý tưởng của du khách khi đặt chân tới Bắc Giang nói chung và Lục Nam nói riêng./.

                                                                                                                      BBT                                                                                                             

TIỆN ÍCH TRUY CẬP NHANH TIỆN ÍCH TRUY CẬP NHANH

 

 

Thống kê Thống kê

Đang truy cập: 5,906
Tổng số trong ngày: 964
Tổng số trong tuần: 11,637
Tổng số trong tháng: 106,152
Tổng số trong năm: 773,075
Tổng số truy cập: 13,433,697